Đặc tính của bài thi trắc nghiệm là
câu hỏi không quá khó, thời gian dành cho từng câu khá ít (1-2 phút/câu). Chính
vì thế ngoài kiến thức thí sinh cần phải lưu ý đến phương pháp và cách thức làm
bài.
Để tạo điều kiện cho thí sinh có thể
làm bài thi trắc nghiệm hiệu quả, Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục
thuộc Bộ GD-ĐT đã đưa ra 11 lưu ý với thí sinh khi thi trắc nghiệm.
Bài thi trắc nghiệm ngoài yêu cầu về kỹ năng kiến thức còn đòi hỏi có những
phương pháp và cách thức làm bài
1. Đối với thi trắc nghiệm, đề thi gồm nhiều câu, rải khắp chương trình,
không có trọng tâm cho mỗi môn thi, do đó cần phải học toàn bộ nội dung môn
học, tránh đoán “tủ”, học “tủ”.
2. Gần sát ngày thi, nên rà soát lại chương trình môn học đã ôn tập; xem
kỹ hơn đối với những nội dung khó; nhớ lại những chi tiết cốt lõi. Không nên
làm thêm những câu trắc nghiệm mới vì dễ hoang mang nếu gặp những câu trắc
nghiệm quá khó.
3. Đừng bao giờ nghĩ đến việc mang “tài liệu trợ giúp” vào phòng thi
hoặc trông chờ sự giúp đỡ của thí sinh khác trong phòng thi, vì các thí sinh có
đề thi với hình thức hoàn toàn khác nhau. Bên cạnh đó do tính chất cạnh tranh
của kì thi và thời gian làm bài hạn chế nên nếu có tư tưởng “gian lận” chắc
chắc làm bài sẽ không được hiệu quả.
4. Trước giờ thi, nên “ôn” lại toàn bộ quy trình thi trắc nghiệm để hành
động chính xác và nhanh nhất, vì có thể nói, thi trắc nghiệm là một... cuộc
chạy “marathon”.
5. Không phải loại bút chì nào cũng thích hợp khi làm bài trắc nghiệm.
Nên chọn loại bút chì mềm (như 2B...) để dễ tô, không nên dùng bút chì cứng vì
tô dễ bị gãy chì. Không nên gọt đầu bút chì quá nhọn; đầu bút chì nên dẹt,
phẳng để nhanh chóng tô đen ô trả lời. Khi tô đen ô đã lựa chọn, cần cầm bút chì
thẳng đứng để tô được nhanh. Nên có vài bút chì đã gọt sẵn để dự trữ khi làm
bài.
6. Theo đúng hướng dẫn của giám thị, thực hiện tốt và tạo tâm trạng
thoải mái trong phần khai báo trên phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN). Bằng cách
đó, thí sinh có thể củng cố sự tự tin khi làm bài trắc nghiệm.
7. Thời gian là một thử thách khi làm bài trắc nghiệm; thí sinh phải hết
sức khẩn trương, tiết kiệm thời gian; phải vận dụng kiến thức, kỹ năng để nhanh
chóng quyết định chọn câu trả lời đúng.
8. Nên để phiếu TLTN phía tay cầm bút (thường là bên phải), đề thi trắc
nghiệm phía kia (bên trái): tay trái giữ ở vị trí câu trắc nghiệm đang làm, tay
phải dò tìm số câu trả lời tương ứng trên phiếu TLTN và tô vào ô trả lời được
lựa chọn (tránh tô nhầm sang dòng của câu khác).
9. Nên bắt đầu làm bài từ câu trắc nghiệm số 1; lần lượt “lướt qua” khá
nhanh, quyết định làm những câu cảm thấy dễ và chắc chắn, đồng thời đánh dấu
trong đề thi những câu chưa làm được; lần lượt thực hiện đến câu trắc nghiệm
cuối cùng trong đề. Sau đó quay trở lại “giải quyết” những câu đã tạm thời bỏ
qua.
Lưu ý, trong khi thực hiện vòng hai cũng cần hết sức khẩn trương; nên làm những
câu tương đối dễ hơn, một lần nữa bỏ lại những câu quá khó để giải quyết trong
lượt thứ ba, nếu còn thời gian.
10. Khi làm một câu trắc nghiệm, phải đánh giá để loại bỏ ngay những
phương án sai và tập trung cân nhắc trong các phương án còn lại phương án nào
là đúng.
11. Cố gắng trả lời tất cả các câu trắc nghiệm của đề thi để có cơ hội
giành điểm cao nhất. Do thi trắc nghiệm vẫn chưa có hình thức trừ điểm ngược
khi làm sai nên thí sinh không nên để trống một câu nào (không trả lời).
Đăng nhận xét